VNDirect dự báo vốn đầu
tư công thực hiện năm 2022 tăng 20- 30% so với thực tế thực hiện trong năm
2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng cao so với mức nền
thấp của cùng kỳ năm 2021.
Tăng trưởng GDP quý III/2022 có
thể đạt 11%
Theo báo cáo cập
nhật vĩ mô mà CTCP Chứng khoán VNDirect vừa công bố, trong quý III/2022, GDP
của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức dự
báo này được VNDirect đưa ra dựa trên nhiều yếu tố với mức sai số ước tính
khoảng 0,5%.
Theo VNDirect, mức
nền thấp trong quý III/2021 là yếu tố quan trọng giúp GDP bật tăng trong quý
III năm nay. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính của
nền kinh tế nhờ du lịch trong nước tiếp tục phát triển mạnh, nhu cầu trong nước
phục hồi nhờ thu nhập của người dân cao hơn và thuế giá trị gia tăng giảm 2%
(kéo dài đến hết năm 2022).
Việc thực hiện
chính sách tài khóa cũng hỗ trợ tăng trưởng GDP, thu ngân sách nhà nước tăng
mạnh 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chi ngân sách tăng chậm tạo ra nhiều dư
địa để thúc đẩy chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo đó, Chính
phủ đã đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế, bao gồm giảm thuế VAT 2%, gói
cấp bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị
giá 113.050 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế
nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh
tế vĩ mô.
VNDirect dự báo,
tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào quý III/2022, sau đó hạ
nhiệt trong quý IV/2022 với mức tăng trưởng khoảng 5- 6%. Nhờ đó, tăng trưởng
GDP của Việt Nam trong năm 2022 sẽ ở khoảng 7,1%.
Việt Nam vẫn sẽ là
một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương trong năm 2022 với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 có thể
đạt 6,9%.
Các chuyên gia tại
đây cho rằng triển vọng tăng trưởng thấp hơn là do xu hướng tăng trưởng chậm
lại của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu sẽ giảm triển
vọng xuất khẩu của Việt Nam hay việc lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến sự
phục hồi của tiêu dùng trong nước cũng như lãi suất tăng làm tăng chi phí và
ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong
năm 2023 như nguồn vốn đầu tư công dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài vững chắc và lượng khách du lịch quốc tế trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Trong 7 tháng đầu
năm 2022, vốn đầu tư công thực hiện tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước lên mức
237,6 nghìn tỷ đồng (cao hơn mức tăng 6,3% của giai đoạn cùng kỳ năm 2021), đạt
tương đương 43,3% kế hoạch cả năm 2022.
Theo Tổng cục Thống
kê, vốn nhà nước thực hiện trong tháng 7/2022 tăng 22,5% so với cùng kỳ năm
trước lên 46,2 nghìn tỷ đồng, mức tăng này cải thiện đáng kể từ so với mức tăng
10,1% trong nửa đầu năm 2022).
Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu
giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong cuộc họp ngày 3/8, Thủ tướng Phạm
Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ xây dựng và trình
Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
công”.
Ngoài ra, việc thực
hiện đầu tư công có thể được thúc đẩy khi giá của một số vật liệu xây dựng như
sắt thép đã bắt đầu giảm. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép trong
nước đã giảm 14,1% so với mức đỉnh và thấp hơn 0,1% so với mức đầu năm 2022.
Yếu tố này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng, từ đó
đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công.
VNDirect dự báo vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 tăng 20- 30% so với
thực tế thực hiện trong năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 có thể
tăng cao so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Báo cáo từ VNDirect cũng lưu
ý rằng, đầu tư công tăng trưởng âm trong 6 tháng cuối năm 2021 do làn sóng dịch
COVID-19 lần thứ 4, giãn cách xã hội trên diện rộng và giá vật liệu xây dựng
tăng.
Hạ An - Doanh nghiệp và Kinh doanh