Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Công Nghiệp & Vận Tải (Tracodi)

Tháng Tư về trên công trường ĐT830

18/05/2017

Cái nắng như đổ lửa đỉnh điểm mùa khô đất phương Nam không làm suy chuyển nhuệ khí tiến công tổng lực của các kỹ sư, công nhân trên công trường xây dựng Dự án BOT Nâng cấp, mở rộng đường ĐT830 (tỉnh Long An). Trên toàn tuyến, hàng trăm con người, thiết bị thi công đang hối hả chạy đua, tận dụng từng ngày “vàng ngọc” của mùa khô để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tinh thần tháng Tư thần tốc

Ngày cuối tháng Tư, chúng tôi có dịp trở lại thăm công trình đường ĐT830 sau 5 tháng Dự án được khởi công xây dựng. Dẫu không phải là lần đầu kinh lý trên tuyến vành đai công nghiệp quan trọng bậc nhất tỉnh Long An, song chuyến đi lần này khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi diện mạo đường ĐT830 thay da đổi thịt từng ngày. Dáng vóc tuyến hoan lộ hiện đại, khang trang dần hiện hữu, vắt ngang những cánh đồng trù phú vùng đất phù sa song Vàm Cỏ Đông, kết nối hàng loạt khu công nghiệp vành đai nơi cửa ngõ không gian kinh tế TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. 

Dẫn chúng tôi thị sát dọc tuyến đường, ông Nguyễn Anh Trang, ký sư xây dựng thương mại Băng Dương cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa tuyến đường vào khai thác, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương vùng dự án, đơn vị thi công chia Dự án thành 7 gói xây lắp và huy động tối đa nguồn nhân lực, vật tư, tổ chức nhiều mũi thi công đồng loạt.

“Dù kỳ nghỉ lễ 30/4 đã cận kề, dù cái nắng cao điểm mùa khô phả hơi nóng hầm hập, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm và hang say làm việc để công trình DDT830 về đích đúng hẹn”, ông Trang nói và chia sẻ, với dân thi công xây lắp cầu đường, thì mùa khô thực sự là thời gian vàng ngọc, bởi lẽ đây là thời điểm thuận lợi nhất cho công tác thi công, đặc biệt là khâu thi công xử lý nền hạ, thi công khoan cọc nhồi, đúc mố trụ cầu. Nếu chần chừ khi mùa mưa tới, việc thi công các hạng mục này rất khó khăn và tốn kém công sức hơn rất nhiều. 

Trong thi cống tuyến ĐT830, nhà thầu cũng có những khó khăn nhất định, như công tác xử lý nền cần nhiều công phu do tuyến đường nằm trên vùng đất yếu, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông thông suốt, hay mặt bằng thi công được bàn giao chưa như kỳ vọng. “Tuy vậy, chúng tôi đang nỗ lực vượt lễn những trở ngại nhằm thi công đảm bảo chất lượng tốt nhất, đúng tiến độ”, ông Trang khẳng định.

Có mặt tại điểm thi công cầu Rạch Nổ, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc rất khẩn trương. Nhiều vật tư, thiết bị hiện đại đã được Công ty Băng Dương huy động để bắt đầu tiến hành khoan thử cọc nhồi trước kỳ nghỉ lễ. Ông Trang cho biết, trong tổng số 7 gói xây lắp, thì ngoài 2 gói trạm thu phí, nhà điều hành và đảm bảo an toàn giao thông sẽ được thực hiện sau, Công ty Băng Dương đang tổ chức thi công đồng loạt 5 gói xây lắp, bao gồm 3 gói đường và 2 gói cầu.

Hiện tại, công tác thi công nền hạ, xử lý nền, đắp đá đã cơ bản hoàn thiện trên nhiều đoạn tuyến. Công ty Băng Dương đã thi công đạt trên 15% so với tổng khối lượng toàn dự án. Cụ thể, ở gói xây lắp số 1 (chiều dài 9 km, bắt đầu từ cầu An Thạnh tới mố A cầu Rạch Nổ), Công ty Băng Dương tổ chức 4 mũi thi công đường và 2 mũi thi công cấu kiện đúc sẵn rãnh dọc. Hiện giá trị thực hiện gói này khoảng 46 tỷ đồng/ tổng giá trị cả gói 210 tỷ đồng.  

Ông Trang cho biết, điều kiện mặt bằng thi công ở gói xây lắp số 2 khá thuận lợi, nên tiến độ thi công nhanh nhất, với 5 mũi thi công đường, 1 mũi thi công đúc cấu kiện, được bố trí trên tổng chiều dài 8 km. Khối lượng thi công gói này đạt 56 tỷ đồng/tổng giá trị cả gói 241 tỷ đồng. Gói xây lắp số 3 cũng được nhà thầu chia làm 3 mũi thi công đường chiều dài 6,5km. Tới thời điểm này, gói này cũng đạt tổng giá trị thực hiện 40 tỷ đồng/tổng giá trị cả gói 152 tỷ đồng.

Điểm đặc biệt ở Dự án Đ T 830 là có nhiều cầu, nên việc đảm bảo tiến độ xây dựng các cây cầu này mang yếu tố quyết định. Do vậy, công tác thi công cũng rất được chú trọng, với 8 cây cầu, phân thành 2 gói xây lắp. Ở gói xây lắp các cầu Rạch Mương, Rạch Vông, Nước Mục, Gia Miễng, Rạch Nổ (gói 4) đã có 2 cầu có mặt bằng thi công, trong đó cầu Rạch Mương đã thi công xong cọc thử và chờ thời gian để thi công cọc đại trà. 3 cây cầu còn lại gồm Sáng Lớn, An Hạ đã thi công xong cọc thử và Sáng Nhỏ, nhà thầu đã sẵn sàng thi công khi được bàn giao mặt bằng.

"Dồn lực" cho ngày về đích

Chia sẻ với phóng viên báo Đầu tư, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, đường ĐT 830 có ý nghĩa trọng điểm để tỉnh Long An phát triển, nhất là vùng giáp ranh với TP.HCM.Tuyến đường là vạch nối giữa khu vực phát triển công nghiệp năng động với các tuyến giao thông quan trọng và cảng quốc tế.

"Tỉnh Long An đã tích cực phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc.Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt để đầy nhanh tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện dự án. Điều thuận lợi là chủ đầu tư đã bố trí đầy đủ nguồn tiền cho giải phóng mặt bằng.Tỉnh sẽ hoàn tất vấn đề này trong tháng 5 tới. Dự án đang được triển khai nhánh và bảo đảm tiến độ thi công. Chúng tôi hy vọng, Dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018, sớm tháo gỡ nút thắt trong việc kết nối vành đai các khu công nghiệp", ông Cảnh nói.

Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Công ty Băng Dương, với tư cách là chủ đầu tư dự án, Công ty Băng Dương cùng đối tác quyết tâm thực hiện Dự án ĐT 830. Dự án có tổng mức đầu tư lớn, nên phương án đảm bảo tài chính thực hiện Dự án theo đúng tiến độ là yếu tố quan trọng.

"Hiện tại, chúng tôi đã giải ngân hết phần vốn chủ sở hữu dành cho Dự án và đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để giải ngân phần vốn vay Ngân hàng cho dự án. Phương án tài chính đã được Chủ đầu tư thu xếp ổn thỏa. Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp giao thông, kinh nghiệm quản lý dự án và nguồn tài chính mạnh, chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai để Dự án sớm đi vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và đảm bảo tính hiệu quả", ông Cường nói.

Cùng với các tuyến cao tốc Bến Lức- Long Thành, Bến Lức-Hiệp Phước, Dự án BOT nâng cấp mở rộng ĐT830 mà tỉnh Long An và chủ đầu tư đang ráo riết triển khai sẽ gia tăng đáng kể năng lực trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp trọng điểm của Long An tới các cảng biển trong vùng Đông Nam Bộ, đồng thời tăng lưu lượng hàng hóa giao lưu giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, góp phần " chia lửa" áp lực quá tải các tuyến đường cửa ngõ phía Nam trung tâm kinh tế năng động hàng đầu cả nước.

BÁO ĐẦU TƯ